Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) hiện đang là một trong bốn ngành dịch vụ lớn của TP.HCM ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 1/2023. Thành phố cho biết trong quý 2 sẽ tập trung vào 12 nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 1/2023 chỉ ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Cụ thể, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý 1/2023 cao nhất đạt 9,65%. Đà Nẵng đứng thứ 2 với GRDP tăng 7,12%, Hà Nội xếp vị trí thứ 3 với 5,8% và vị trí thứ 4 là TP. Cần Thơ với GRDP tăng 4,2%. TP.HCM có mức tăng trưởng GRDP quý 1/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khi đóng góp tăng trưởng lớn nhất cho kinh tế TP.HCM là những ngành thương mại dịch vụ có GRDP tăng 2,07%, ngành nông lâm thủy sản tăng 2,06% và thuế sản phẩm tăng 1,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng lại giảm 3,60%. Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản tại TP.HCM ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý vừa qua và đứng đầu bảng 4/6 ngành tăng trưởng âm với mức suy giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, do ảnh hưởng chung từ những tác động của nền kinh tế thế giới nói chung và trong cả nước, TP.HCM cũng chịu ảnh hưởng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, không đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng với thị trường BĐS và thị trường tài chính là hai khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất, nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của kinh tế TP.HCM thời gian qua là sự chững lại của thị trường BĐS và sự đóng băng của thị trường tài chính. Trong bối cảnh này, TP.HCM cần tập trung động lực tăng trưởng cho khối sản xuất, với trọng tâm là phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM. Song song đó, Thành phố cũng cần nỗ lực phục hồi thị trường BĐS và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng và xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Còn theo TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, TP.HCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, tập trung đánh giá 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ có đóng góp tỷ trọng cao nhất. Riêng về dịch vụ, cần hướng đến 5 nhóm ngành gồm thương mại, thị trường tài chính, thị trường BĐS, du lịch và logistics.
Giới chuyên gia kỳ vọng những diễn biến tích cực mới nhất trên thị trường tài chính, chứng khoán cũng như lãi suất ngân hàng thời gian gần đây sẽ kéo lại tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế của TP.HCM nói chung và ngành BĐS nói riêng phục hồi trong các quý tới.
Đánh giá về tình kình kinh tế quý 2/2023, Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quý tới. Vì vậy, Thành phố sẽ tập trung vào 12 nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế. Riêng với thị trường BĐS, TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường và đưa ra các phương án giải quyết những dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư; xử lý các hành vi vi phạm xây dựng trên địa bàn.
Ngoài ra, thành phố cũng có đề án phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các quận/huyện thành phố trực thuộc khác như TP. Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh để ra soát quy hoạch các dự án đô thị liên quan đến dự án hạ tầng tuyến đường Vành đai 3 nhằm phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, tránh thất thu cho ngân sách thành phố.
Phương Uyên
Theo