Thị trường bất động sản khó khăn, một số sản phẩm đang được giảm giá mạnh lên tới 30-50% nhằm tăng thanh khoản. Thế nhưng không ít người mua tại Hà Nội đắn đo xuống tiền, dù nhiều người trong số họ có sẵn tiền mặt và có nhu cầu.
Cuối năm ngoái, chị Bùi Hồng Hà (trú tại phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) được nhân viên kinh doanh một công ty chứng khoán gợi ý việc đổi trái phiếu sang bất động sản. Trước đó, chị mua đầu tư một lượng lớn trái phiếu của một chủ đầu tư bất động sản, chính là chủ của dự án mà nhân viên kinh doanh gợi ý chị đổi. Cuối năm 2022, lô trái phiếu của chủ đầu tư này đến hạn thanh toán cả gốc và lãi nhưng phía bên công ty ra văn bản hoãn thanh toán do các lý do khó khăn của nền kinh tế, của thị trường bất động sản. Giải pháp được đơn vị này đưa ra là hoán đổi trái phiếu sang bất động sản. Bất động sản được đổi là căn hộ chung cư đang mở bán ở Hoàng Mai. Nếu đồng ý thì căn hộ chung cư chị Hà nhận về sẽ có giá trị bằng 50% so với giá chủ đầu tư đang chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, chị Hà cương quyết từ chối với giải pháp chủ đầu tư đưa ra.
Dự án chung cư đang được giảm giá tới gần 50% tại Hà Nội
Về lý do từ chối, chị Hà chia sẻ: “Một chủ đầu tư không có đủ tài chính để đáo hạn trái phiếu cho trái chủ đã khiến tôi lo lắng để đổi từ trái phiếu sang bất động sản dù giá rẻ hơn 50% so với giá thị trường? Điều tôi lo sợ là khi không trả được tiền cho trái chủ thì liệu chủ đầu tư này có đủ tài chính để xây dựng tiếp dự án không? Rất có thể dự án bất động sản không về đích được đúng tiến độ hoặc bị đắp chiếu vì chủ đầu tư không có tiền để làm tiếp. Trái chủ như tôi nếu đồng ý với giải pháp đổi sang bất động sản không khác nào đẩy quả bóng đầu tư rủi ro từ sân này sang sân khác”.
Tương tự chị Hà, thời điểm sau Tết Nguyên đán, dự án chung cư trên thông báo giảm giá khoảng 40% với khách hàng thanh toán 95% giá trị căn hộ. Thế nhưng, chị Nguyễn Minh Thảo, người đang có sẵn tiền mặt và có nhu cầu tìm mua căn hộ tại khu vực Hoàng Mai quyết định không mua dự án trên dù rất nhiều môi giới mời chào. Chia sẻ với Batdongsan.com.vn, chị Thảo cho biết chị lo sợ số tiền thanh toán lên đến 95% để mua căn hộ không được sử dụng cho chính dự án. “Tôi nghĩ chủ đầu tư đang rất “khát” tiền mặt nên mới chiết khấu lên tới 40% cho khách thanh toán 95% để có dòng tiền. Thế nhưng rất có thể tiền tôi đóng vào lại không được dùng cho chính dự án mà lại sử dụng cho các mục đích khác như trả nợ trái chủ hay thanh toán các khoản công nợ khác. Như vậy, dự án đứng trước nguy cơ không hoàn thành tiến độ, không giao được nhà, người mua chịu rất nhiều rủi ro. Vì thế, tôi không thể liều lĩnh mua căn hộ tại dự án này dù đủ khả năng kinh tế thanh toán lên đến 95%”, chị Thảo chia sẻ.
Hơn một năm nay, ông Nguyễn Tốt, trú tại phường Hải Tân, thành phố Hải Dương vẫn đang tìm kiếm biệt thự nghỉ dưỡng ven biển cho cả gia đình. Mục đích của ông không phải đầu cơ mà là sử dụng. Ông muốn ông và các thành viên gia đình có một ngôi nhà thứ 2 gần biển trong Nam để bay đi bay về vào các dịp lễ. Bên cạnh mục đích sử dụng, ông cũng sẽ cho thuê lại biệt thự để có dòng tiền khi gia đình không dùng tới. Dù lùng sục nhưng ông vẫn chưa tìm được sản phẩm ưng ý. Ông cho biết khá nhiều môi giới mời ông mua mua một sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phan Thiết (Bình thuận) được chiết khấu khủng lên tới cả nửa giá trị biệt thự nếu thanh toán 95% nhưng ông từ chối. Ông Tốt cho biết: “Hiện các biệt thự tại dự án này ở một số phân khu đã xây dựng xong nên không phải lo lắng về việc chủ đầu tư có bàn giao nhà cho khách không nhưng chủ đầu tư hiện đang nợ nần chồng chất, tôi lo chủ đầu tư không có nguồn tiền để vận hành dự án. Với bất động sản nghỉ dưỡng nếu khâu vận hành làm không tốt thì đừng hi vọng có khách thuê hay khách thuê quay trở lại”.
Nhà đầu tư Nguyễn Tốt từ chối xuống tiền với biệt thự nghỉ dưỡng được chiết khấu lên tới 50%
Giám đốc một sàn kinh doanh bất động sản xin giấu tên cho biết với các dự án được chiết khấu khủng, nhà đầu tư cần phải thẩm định để đánh giá được chính xác về dự án và chủ đầu tư trước khi xuống tiền. Việc thẩm định chú trọng về pháp lý dự án, tiến độ xây dựng, năng lực tài chính hiện tại của chủ đầu tư… Nếu pháp lý dự án chưa hoàn thành, năng lực chủ đầu tư kém thì khách mua hoàn toàn cầm đằng chuôi, đặc biệt trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện tại. Bởi chủ đầu tư có thể sẽ không dùng tiền đúng mục đích và khó có thể hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng. “Hãy cảnh giác với những quảng cáo “mật ngọt” giảm giá 50% khi thanh toán lên tới 95% từ các chủ đầu tư bất động sản trong giai đoạn trầm lắng của thị trường”, vị giám đốc này nhấn mạnh.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật)
Nguyễn Nam
Theo