Hà Nội - Sau Tết, không ít người mua ở hoặc đầu tư đang bắt đầu rao bán cắt lỗ bất động sản khi chương trình ân hạn lãi suất của nhiều chủ đầu tư sắp kết thúc. Không còn hỗ trợ lãi suất từ chủ đầu tư, cùng với việc phải đối mặt với lãi suất thả nổi tăng cao buộc họ phải chọn giải pháp cắt lỗ không mong muốn.
Anh Dương Bình Nguyên (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết vợ chồng anh mua căn hộ tại Hà Đông với khoản vay hơn 2 tỷ đồng. Chương trình ưu đãi hỗ trợ lãi suất trong 18 tháng của chủ đầu tư đã kết thúc từ tháng 8 năm ngoái nên gia đình anh bắt đầu tự trả lãi ngân hàng từ tháng 9. Đến tháng 10/2022, lãi suất cho vay bất động sản của ngân hàng bắt đầu tăng mạnh, một tháng gia đình anh phải trả ngân hàng hơn 20 triệu cả tiền gốc và lãi. “Nặng gánh” với khoản tiền này, từ cuối tháng 12, vợ chồng anh Nguyên quyết định rao bán nhà, quay lại đi thuê. Tuy nhiên, dù đã cắt lỗ 200 triệu đồng so với giá mua vào, chưa kể bao toàn bộ thuế phí cho khách nhưng vợ chồng anh vẫn chưa bán được hàng.
Khi chương trình ân hạn lãi suất của nhiều chủ đầu tư kết thúc, nhiều người mua bất động sản lao đao
Trong khi đó, cũng mua với mục đích để ở, anh Nguyễn Mạnh Hồng (trú tại Nam Từ Liêm) mua căn hộ ở Nam Từ Liêm và mới nhận nhà vào tháng 11/2022 cũng đang lo lắng thời điểm căn hộ hết hỗ trợ lãi suất. Anh Hồng cho biết, anh làm marketing cho một công ty bất động sản, vợ anh làm môi giới bất động sản. Thị trường khó khăn khiến lương của anh bị giảm một nửa, còn vợ anh thì bỏ nghề môi giới, đã chuyển sang bán hàng online từ cuối năm. “Hiện tại tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi rất thấp, năm rồi lại có thêm con nhỏ nên chi phí càng tăng cao. Tháng 7/2023 này là hết thời hạn hỗ trợ lãi suất của chủ đầu tư khiến vợ chồng tôi rất lo lắng về khoản nợ sẽ phải trả sắp tới”, anh Hồng cho biết. Cũng theo anh Hồng, sang đầu quý 2, nếu kinh tế của hai vợ chồng không được cải thiện thì căn nhà đang ở buộc phải bán. “Vợ tôi làm môi giới nên tính phải rao bán từ sớm, trước khi thời hạn hỗ trợ lãi suất kết thúc vì thị trường khó khăn, không phải chào bán là bán được ngay. Nếu kết thúc thời gian hỗ trợ vẫn chưa bán được nhà thì với tình hình kinh tế hiện tại, chúng tôi không kham nổi việc trả lãi ngân hàng”, anh Hồng nhấn mạnh.
Với mục đích mua đầu tư, chị Kiều Mỹ Lệ (trú tại Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đến tháng 3/2023, khoản vay đầu tư một dự án nghỉ dưỡng ở trong Nam của chị sẽ không còn được hưởng chương trình ân hạn lãi suất 12 tháng của chủ đầu tư. Điều này đồng nghĩa, chị sẽ bắt đầu tự trả gốc và lãi hàng tháng. Với lãi suất thả nổi hiện nay, khoản gốc và lãi chị phải trả lên tới hơn 80 triệu đồng/tháng. Trong khi từ năm 2022, do suy thoái kinh tế, công việc của hai vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập hàng tháng sụt giảm mạnh. Từ trước Tết Nguyên đán, nhận thấy thị trường bất động sản khó có thể hồi phục sớm để thoát hàng, chị Lệ đã phải nhờ rất nhiều môi giới ra hàng với mức cắt lỗ 500 triệu đồng so với giá gốc của chủ đầu tư song vẫn chưa bán được hàng.
Nhằm thoát gánh nặng tài chính khi hết chương trình hỗ trợ lãi suất, nhiều người mua bất động sản chấp nhận cắt lỗ
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, anh Phạm Việt Anh, môi giới căn hộ chung cư phía Tây Hà Nội cho biết, so với các khu vực khác của Hà Nội thì phía Tây là khu vực có nhiều dự án mới hơn cả được bàn giao trong khoảng 2 năm gần đây. Từ giữa năm 2022 đến nay, anh Việt Anh nhận được rất nhiều hàng chung cư khách hàng ký gửi bán lại. Số lượng kí gửi tăng mạnh từ giữa năm và sau Tết Nguyên đán 2023 tiếp tục tăng. Đây phần lớn là những căn hộ mà chủ nhà không gồng được lãi vay ngân hàng khi hết hỗ trợ lãi suất của chủ đầu tư. Tuy nhiên, thanh khoản của hàng kí gửi này khá chậm bởi phần lớn các dự án được xây dựng, bàn giao trong 2 năm qua tại phía Tây Hà Nội thường có đơn giá cao, đặc biệt giai đoạn kết thúc hỗ trợ lãi suất lại rơi vào đúng thời điểm thị trường đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng cao nên dù là sản phẩm phục vụ nhu cầu thực vẫn khó thanh khoản.
Anh Phạm Ngọc Thành, Giám đốc sàn giao dịch Ngọc Thành Land cho rằng với bài toán mua ở và mua đầu tư, bên cạnh việc không nên vay quá 50% giá trị sản phẩm thì người mua luôn phải tính đến mọi rủi ro của biến động thị trường, biến động kinh tế và các biến cố cá nhân như như lãi suất vay tăng mạnh, thị trường lao dốc hay thu nhập giảm sút, để tránh rơi vào cảnh rủi ro mất khả năng thanh toán. Anh Thành khuyến nghị người mua nên có tỷ trọng tài chính hợp lý khi mua nhà, đề phòng mọi bất trắc.
Khánh Chi