TP.HCM - Bước vào tháng 2, thị trường nhà đất dần có giao dịch trở lại khi nhiều doanh doanh nghiệp BĐS tiếp tục triển khai mở bán những sản phẩm mới. Tuy nhiên phần lớn nguồn hàng đến từ các dự án hiện hữu, thiếu dự án mới.
Thị Trường Thiếu Dự Án Mới
Sau gần 6 tháng “ngủ đông”, nhiều doanh nghiệp BĐS rục rịch khởi động hoạt động bán hàng. Tuy nhiên phần lớn nguồn cung đưa ra thị trường là thuộc về các dự án cũ, ít sản phẩm từ dự án mới triển khai. Cụ thể, mới đây Hưng Thịnh Land giới thiệu dự án 9X An Sương tại khu Tây Bắc TP.HCM. Đây là căn hộ tầm trung quy mô gần 800 căn, giá bán từ 1,6 tỷ/căn. Dự án này đã được giới thiệu ra thị trường từ cuối năm 2022 và hiện tại đang chào bán giai đoạn 1 đi kèm chính sách thanh toán ưu đãi.
Một chủ đầu tư lớn khác là Nam Long Group cũng tiếp tục chào hai dự án lớn đang triển khai tại TP.HCM là KĐT Mizuki Park (Bình Chánh) và KĐT Akari City (Bình Tân). Cụ thể, Nam Long chào bán bán giỏ hàng thuộc giai đoạn 2 của Akari City và các cụm căn hộ Flora Mizuki MP 9-10; Flora Panorama thuộc khu đô thị tích hợp Mizuki Park. Còn về nguồn cung mới, theo kế hoạch phải đến quý 2/2023 Nam Long mới giới thiệu phân khu mới Izumi Riverside thuộc khu đô thị Izumi City Đồng Nai ra thị trường và triển khai nguồn hàng mới từ dự án Ehome Southgate (thuộc KĐT Waterpoit Long An).
Phần lớn rổ hàng chào bán trong tháng 2/2023 là thuộc về những dự án sẵn có.
Những doanh nghiệp lớn khác đang có dự án triển khai tại TP.HCM như Khang Điền (với hai dự án Privia và Clarita), Phú Long (Essentia Nam Saigon), Rioland (MT Eastmark City), Vinhomes (Vinhomes Grand Park), Novaland (Sunrise Riverside)... cũng chưa tung ra rổ hàng mới mà vẫn chỉ đang chào bán sản phẩm còn lại từ giỏ hàng trước đó. Phần lớn nguồn cung giới thiệu ra thị trường trong tháng 2 là để thăm dò, tính toán phản ứng của thị trường, ước lượng thanh khoản để triển khai chính thức vào quý 2/2023 tới đây.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các thị trường tỉnh. Đơn cử, Tập đoàn Novaland thông báo mở bán hàng loạt dự án nhà ở và nghỉ dưỡng hiện hữu trong tháng 2/2023 như NovaWorld Phan Thiet tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Aqua City tại TP. Biên Hoà (Đồng Nai). Tập đoàn Trần Anh Group thì bắt đầu mở bán các phân khúc tiếp theo của dự án biệt thự, nhà phố Phúc An Asuka tại TP. Châu Đốc (An Giang). Cát Tường Group cũng công bố mở bán dự án Cát Tường Park House tại thị xã Chơn Thành (Bình Phước) vào cuối tháng 2/2023. Trên khu vực Bình Dương, loạt dự án đang triển khai là Bcons City, Phú Đông Sky Garden, Diamond Conect… vẫn đang tiếp tục giao dịch những sản phẩm còn lại chứ chưa mở bán giỏ hàng mới.
Tâm Lý Thăm Dò Chiếm Áp Đảo
Nhận định về nguồn cung thị trường các tháng đầu năm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc thị trường nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, nhiều chủ đầu tư thông báo hoãn kế hoạch ra hàng sang đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa có ý định mở bán. Nguyên nhân phần lớn là do những yếu tố từ thị trường BĐS hiện chưa phải tốt và rõ ràng, bên cạnh đó, bài toán liên quan đến vốn vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, dù đang có dự án pháp lý hoàn thiện nhưng vẫn chưa định được ngày mở bán chính thức do thanh khoản thị trường chưa có tín hiệu lạc quan. Doanh nghiệp hiện vẫn đang bán một số giỏ hàng cũ nhưng giao dịch nhỏ giọt, cầm chừng, có tháng không bán được căn nào. Điều này khiến CĐT dè dặt, không dám vội tung ra dự án mới. “Nếu như mở bán những sản phẩm mới sẽ tốn thêm chi phí lớn cho truyền thông, quảng cao, bán hàng… nhưng nếu không bán được hàng hay không đạt con số giao dịch kỳ vọng sẽ xem như đổ sông đổ biển", vị này cho hay.
Nguồn cung BĐS dự báo triển khai trong năm 2023 sẽ vẫn khiêm tốn do nhiều rào cản pháp lý chưa khơi thông.
Theo dự báo từ CBRE Việt Nam, năm 2023 sẽ chỉ có khoảng 9.000 căn hộ mới từ 20 dự án tung ra thị trường TP.HCM. Phần lớn nguồn cung mới đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của những dự án hiện hữu, chỉ có 6 dự án mới được chào bán lần đầu. Dù nguồn cung ít ỏi nhưng nhận định về tỷ lệ tiêu thụ và thanh khoản của thị trường vẫn sẽ khó cao, có thể duy trì trong khoảng từ 60-70% tổng nguồn cung giao dịch.
Bà Trang Bùi, TGĐ Cushman & Wakefield Việt Nam khẳng định, vướng mắc pháp lý và khó tiếp cận vốn tín dụng vẫn là yếu tố lớn tạo áp lực lên thị trường. Hiện nay, cả người mua và nhà đầu tư BĐS đều đang có xu hướng chờ xem những động thái từ chính sách mới của Chính phủ trong năm 2023 trước khi đưa ra quyết định có tham gia thị trường hay không. Thanh khoản thị trường dự báo sẽ phải đến tầm giữa quý 2 hoặc đầu quý 3/2023 mới có thể gia tăng khi có rổ hàng mới gia nhập. Dù vậy giới phân tích cho rằng, thị trường BĐS vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, đặc biệt là khi nhu cầu nhà ở còn khá cao và chưa hạ nhiệt. Các thông tin mới về gói tín dụng hỗ trợ BĐS từ phía NHNN cũng nhenh nhóm tin vui cho thị trường. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực từ doanh nghiệp, các chuyên gia hy vọng thị trường sẽ có những khởi sắc và hồi phục từ giữa năm nay, khi các biện pháp đã được thực hiện và niềm tin của người mua và các nhà đầu tư được củng cố.
Phương Uyên
Theo